Các chương trình chính tại Festival Huế 2010


Dulichbui's Blog - Diễn ra liên tục trong suốt 9 ngày đêm (từ 05/6 đến 13/6/2010), Festival Huế 2010 hứa hẹn nhiều chương trình lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng.

>> Thông tin về chương trình Festival Huế 2010
>> Festival Huế 2010: Các lễ hội chính, các điểm diễn
>> Giá vé, các địa điểm bán vé Festival Huế 2010
>> Festival Huế sẽ có lễ hội bia Carlsberg

1. Lễ Khai mạc diễn ra vào 20h00 ngày 05/6/2010; địa điểm: Quảng Trường Ngọ Môn.
Khai mạc là đêm hội được kết cấu gồm 2 phần liên kết xuyên suốt thể hiện âm hưởng chủ đạo là sự tôn vinh các giá trị truyền thống và sự giao lưu tỏa sáng của các di sản văn hóa đại diện cho 5 châu lục.
Chương trình mang đậm sắc thái văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, diễn ra hoành tráng, kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn sân khấu và nghệ thuật pháo hoa độc đáo của nghệ sĩ pháo hoa quốc tế Pierre Alain Hubert.

2. Tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thuỷ binh thời chúa Nguyễn” diễn ra vào 20h00 ngày 07/6/2010; địa điểm: Sông Hương, trước Đình làng Kim Long, Phường Kim Long.
Cuộc thao diễn thuỷ binh thời chúa NguyễnMô hình thuyền chiến trong lễ hội tái hiện thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn
sẽ diễn ra trong Festival Huế 2010

Lễ hội gồm có 3 phần. Phần lễ được tái hiện trong khoảng thời gian 15 phút; phần hội diễn ra trên bờ trong khoảng 30 phút, bao gồm các nghi thức trên bờ, thao diễn trên bờ và tập trận thủy chiến trên bờ; phần hội diễn ra dưới nước trong khoảng 35 phút.
Đặc biệt nhất, phần thao diễn dưới nước là phần tái hiện chính của của cuộc thao diễn với các loại thuyền chiến diễu hành, phô diễn kỹ năng trận mạc trên sông nước dưới sự chứng kiến và ngự lãm của Chúa Nguyễn cùng các bậc văn võ bá quan.
Việc tái hiện cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn là một hoạt động kỷ niệm sự kiện 375 năm chúa Nguyễn Phúc Lan quyết định xây dựng kinh đô xứ Đàng Trong ở bên bờ sông Hương (1635-2010).
Theo sử sách, dưới thời các chúa Nguyễn, thủy binh là một lực lượng rất hùng hậu và đã từng lập nhiều chiến công hiển hách. Đoạn sông Hương ở phía trước thủ phủ Kim Long từng là nơi chúa Nguyễn tổ chức thao duyệt thủy binh nhiều lần. Lễ hội này sẽ huy động các đội đua ghe thuộc các làng xã trên địa bàn Thừa Thiên Huế và lực lượng khoảng 900 người tham gia.

3. Lễ hội Áo dài diễn ra vào 20h00 ngày 8/6/2010; địa điểm: Sân Hàm Nghi (cửa Thượng Tứ).

Lễ hội Áo dàiLễ hội Áo dài được đánh giá là một trong những Lễ hội để lại nhiều ấn tượng nhất
tại Festival Huế 2008

Vẻ đẹp thanh cao của Sen và Áo dài đã đem đến niềm cảm xúc vô tận cho mọi người.
Một ngàn năm trôi qua vẻ đẹp ấy như không thể phai nhạt, mỗi ngày qua đi sen lại thêm tươi thắm,áo dài trở nên cao quý hơn. Lần này Lễ hộ Áo Dài như một thông điệp gửi đến mọi người về một hành tinh xanh…những chất liệu thân thiện với môi trường của Vân Anh và Vikotex sẽ làm cho đêm lễ hội trở nên huyền ảo vì những sắc màu và vì một hành tinh trong xanh vô tận. Với sự tham gia của các nhà thiết kế Quang Tân, Minh Minh, Sĩ Hoàng, Viết Bảo, Thương Huyền, Đức Hải, Việt Liên, Minh Hoa, Việt Hà, Anh Vũ, Bảo Ngọc, Quang Huy, Thu Giang, Thanh Danh, Xuân Hảo, Minh Hạnh. Chương trình được sự bảo trợ và phối hợp của trường Bồi dưỡng Cán bộ Quản lý Thể Thao và Du Lịch trong Dự án “Đẩy mạnh vai trò của cộng đồng trong việc tuyên truyền bảo vệ môi trường tại Festival Huế”.

4. Lễ tế Nam Giao diễn ra vào 9/6/2010; địa điểm: Đàn Nam Giao.
Lễ tế Nam Giao Đàn Nam Giao

Lễ Tế Giao là một lễ hội truyền thống của triều Nguyễn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cầu mong quốc thái dân an, cầu mong mưa thuận gió hoà...
Kế thừa những thành công trước đây, trong Festival Huế 2010, lễ Tế Giao sẽ được phục dựng bài bản hơn, nhất là những trình thức tế lễ có tính điển chế của các triều đại quân chủ ngày xưa.

5. Lễ hội sân khấu hoá “Hành trình mở cõi” diễn ra vào 20h00 ngày 10/6/2010; địa điểm: Kỳ Đài Phu Văn Lâu.
Đêm hội Hành trình mở cõi vào tối 10 tháng 6 tại Kỳ Đài -Hộ Thành hào (Kinh Thành Huế) được dàn dựng công phu và quy mô trên cơ sở diễn tiến của công cuộc Nam tiến của dân tộc ta, khởi nguồn từ thế kỷ X và kết thúc khải hoàn vào năm 1945, mở ra một trang mới của lịch sử dân tộc bằng thời đại Hồ Chí Minh.
Đêm hội tập trung khai thác diễn trình mở cõi của các chúa Nguyễn trong mối liên hệ với truyền thống của dân tộc và tình cảm của cả nước đối với đất Thăng Long với hàng ngàn năm lịch sử, khẳng định về chủ quyền, khẳng định nền độc lập của Việt Nam, khẳng định sự thống nhất đất nước với sự toàn vẹn về lãnh thổ, khẳng định một thời đại Hồ Chí Minh với những bản sắc văn hóa tạo nên nội lực để hội nhập và phát triển, khẳng định vị thế và vai trò của Thừa Thiên Huế trong tiến trình lịch sử của dân tộc với những giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của phức hệ di sản với một vùng văn hóa và tình cảm, tâm hồn của con người xứ Huế. Với ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất ước lệ sử thi, trong một không gian gợi cảm đầy chất nghệ thuật từ các yếu tố kiến trúc thành - trì, môn - kiều, tạo dựng một không gian lung linh huyền ảo về đêm từ các hiệu ứng ánh sáng; tạo dựng khung cảnh ước lệ về những khúc đoạn hùng tráng của lịch sử; tổ chức xen kẻ các lớp trình diễn nghệ thuật quanh chủ đề: Hành trình mở cõi.

6. Chương trình “Huyền thoại Sông Hương” diễn ra vào 17h00 ngày 6/6 & 12/6/2010; địa điểm: Sông Hương.
Huyền thoại Sông HươngChương trình “Huyền thoại Sông Hương” tại Festival Huế 2008

Huyền thoại sông Hương là chương trình sân khấu hóa được dàn dựng công phu dựa trên yếu tố lịch sử, huyền thoại và vẻ đẹp của dòng sông Hương thơ mộng trữ tình,
nhằm khẳng định giá trị văn hoá lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của một dòng sông gắn liền với một vùng văn hoá và tình cảm, tâm hồn của con người xứ Huế; khẳng định những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của cố đô Huế.
Chương trình được kết cấu với 09 điểm nhấn tại điện Hòn Chén; Nhà máy nước Vạn Niên; Bãi bồi; cầu Xước Dũ; Văn Miếu; đình Kim Long; chùa Thiên Mụ; cầu Bạch Hổ bằng nghệ thuật ánh sáng và nghệ thuật diễn xướng. Điểm nhấn cuối cùng sẽ kết thúc tại Nghinh Lương đình với sự quảng diễn 8 tiết mục nghệ thuật quy mô gắn với huyền thoại của dòng sông.
Chương trình Huyền thoại sông Hương được dàn dựng dựa trên cơ sở một hoạ đồ về cảnh thuyền vua du sông của triều Nguyễn, gồm 1 chiếc thuyền cung đình và 20 chiếc thuyền rồng.

7. Chương trình “Đêm Phương Đông” diễn ra vào các buổi tối 5, 7, 8, 10, 11 và 12/6/2010; địa điểm: Đại Nội.
Sau lễ khai mạc, chương trình “Đêm Phương Đông” tại Điện Thái Hoà - Đại Nội Huế sẽ bắt đầu với vẻ đẹp lộng lẫy và sắc thái độc đáo của trang phục các dân tộc Châu Á: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Mông cổ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam.

8. Chương trình Vẻ đẹp Việt II "Hơi thở của nước"diễn ra vào các tối 6, 9 và 11/6/2010; địa điểm: Hồ Tịnh Tâm.
Chương trình Vẻ đẹp ViệtSân khấu của "Hơi thở của nước" được dựng trên 3D

Ba loại hình nghệ thuật, gồm: nhã nhạc Huế, ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như: chèo, ngâm thơ cổ, dân ca… sẽ cùng hội tụ trong chương trình nghệ thuật mang tên “Hơi thở của nước”.
“Hơi thở của nước” dựa trên cốt truyện chính là tình yêu của đôi trai tài, gái sắc. Cô gái Kinh Bắc duyên dáng, xinh đẹp được tuyển vào làm cung nữ trong cung vua, trên thuyền tới kinh thành trong tâm trạng cô đơn, cô gái đã nhớ lại quãng thời gian tươi đẹp bên người mình yêu dấu; mặt hồ Tịnh Tâm chính là chiếc gương soi ký ức của cô gái…Bên cạnh ý nghĩa tôn vinh di sản, nó còn tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam, trong không gian lung linh huyền ảo của hồ Tịnh Tâm.

9. Chương trình “Đêm Hoàng cung” diễn ra vào tối 05/6 (không có dạ nhạc tiệc) và các tối 08/6, 11/6 (có dạ nhạc tiệc); địa điểm: Đại Nội
Đêm Hoàng Cung là một chương trình nghệ thuật gắn với lễ hội. Tái hiện những vẻ đẹp lung linh của Đại Nội về đêm với quan binh, voi ngựa, thái giám, thị nữ và những chân dung xưa gắn với các công trình kiến trúc, các sinh hoạt văn hóa trong các cung điện Huế xưa.
Trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế như: Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng Huế, Ca Huế, thơ cung đình và thơ Huế cùng một số loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Huế. Giới thiệu nghệ thuật ẩm thực cung đình đa dạng của Huế trong các chương trình: Dạ nhạc tiệc, Uống trà thưởng thức các chè Huế. Tổ chức các trò chơi cung đình và dân gian ở Huế xưa như Thả thơ, Đố thơ, Đầu hồ, Xăm hường, Bài vụ...Tất cả sinh hoạt sẽ được phối hợp thật ấn tượng thông qua kỹ xảo ánh sáng kết hợp với khói và lửa của những ngọn đuốc, nến, phương thức thắp sáng truyền thống cùng với các không gian trưng bày triển lãm và nghệ thuật sắp đặt.

10. Lễ Bế mạc sẽ diễn ra vào 13/6/2010; địa điểm: Bãi bồi Cầu Gia Hội.



Related posts

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Homepage- About- Terms and Conditions- Advertise- Update Checker- Website Widget
Copyright 2011-2012 Lam Lam.All rights reserved.
Thiết kế bởi: Nguyễn Mạnh Đạt
RSS